Bài học từ cuộc sống

1. Bài học số 1
Bạn tôi ưng ý một chiếc máy tính, cần khoảng 30 triệu, thu nhập mỗi tháng của cậu ta chỉ có 7 triệu.
Vợ cậu ta nói với cậu ta rằng: “Anh điên rồi, anh mà mua thì chúng ta sẽ ly hôn”.
Cậu ta hỏi tôi phải làm sao. Tôi nói: “Cậu không xứng với chiếc máy tính kia, đến thứ mà mình thích cũng không có dũng khí đi giành lấy, thì sau này cậu định lăn lộn trong xã hội thế nào?”.
Cậu ta cắn răng mua chiếc máy tính kia. Để trả nợ, cậu ta bắt đầu tìm một số công việc làm thêm. Cuối cùng, cậu ta đã trả hết nợ trong vòng một tháng. Vợ cậu ta không vì sự điên cuồng của cậu ta mà bỏ cậu ta. Cô ta dẫn cậu ta vào một siêu thị xe, nói: “Ông xã, chúng ta mua trả góp chiếc xe BMW này nhé”. Ban đầu cậu ta giật nảy mình, tưởng vợ mình điên. Một năm sau, cậu ta đã trả được hết khoản tiền của chiếc xe đó.
Kết luận: Đến vật và người mà mình thích bạn cũng không có dũng khí giành lấy, vậy thì bạn đã được định trước là một kẻ thất bại.

Vượt qua thử thách
2. Bài học số 2
Một vị thiền sư nhìn thấy con bọ cạp rơi xuống nước, bèn quyết tâm cứu nó. Ai ngờ vừa chạm vào nó, đã bị nó chích vào tay. Vị thiền sư không sợ hãi, lại một lần nữa ra tay, lần này ông lại bị chích. Người bên cạnh nói: “Nó lúc nào chẳng chích người, hà tất phải cứu nó?”. Vị thiền sư đáp: “Chích người là bản năng của con bọ cạp, còn lương thiện là bản năng của tôi, sao tôi có thể vì bản năng của nó, mà vứt bỏ bản năng của tôi?”.
Kết luận: Lỗi sai của chúng ta nằm ở chỗ, bởi vì đám đông mà thay đổi bản thân.

Thay đổi theo đám đông
3. Bài học số 3
Có người hỏi một người nông dân: “Có trồng lúa mạch không?”.
Người nông dân trả lời: “Không, tôi sợ trời sẽ không mưa”.
Người kia lại hỏi: “Vậy anh có trồng cây bông không?”.
Người nông dân trả lời: “Không, tôi sợ sâu sẽ ăn nó mất”.
Người kia lại hỏi: “Vậy anh trồng gì?”.
Người nông dân đáp: “Không trồng gì cả, tôi muốn an toàn”.
Kết luận: Một người không tình nguyện bỏ ra, không tình nguyện mạo hiểm, thì “không làm nên trò trống gì” đối với anh ta mà nói là chuyện quá hiển nhiên.

Dám mạo hiểm
4. Bài học số 4
Ba người ra khỏi nhà, một người mang ô, một người mang gậy chống, một người đi tay không. Khi quay trở về, người cầm ô quần áo ướt sũng, người cầm gậy chống bị ngã, người thứ ba bình an vô sự. Thì ra, người có ô khi trời mưa đã bước đi mạnh bạo, cuối cùng bị ướt.
Khi đi chỗ đường trơn, người chống gậy cậy mình có gậy nên đi nhanh, kết quả chốc chốc lại bị ngã. Người đi tay không, khi trời đổ mưa, anh ta trú, khi thấy đường trơn trượt, anh ta đi cẩn thận, ngược lại lại bình yên vô sự.
Kết luận: Đôi khi, không phải là chúng ta thất bại vì khiếm khuyết của chúng ta, mà là thất bại vì ưu thế của chúng ta.

ưu nhược điểm
5. Bài học số 5
Một tiểu hòa thượng phụ trách quét dọn lá rơi trong chùa, mỗi ngày phải tốn rất thời gian mới quét xong. Có người nói với cậu rằng: “Trước khi quét dọn cậu hãy dùng sức rung cây cho lá rụng hết, sau đó hẵng quét, như vậy ngày mai sẽ không cần phải quét nữa”.
Tiểu hòa thượng cảm thấy có lý, vui vẻ làm theo, thế nhưng ngày hôm sau, lá vẫn rơi đầy sân chùa.
Kết luận: Bất luận hôm nay bạn có nỗ lực thế nào, thì ngày mai lá vẫn rơi. Dục tốc bất đạt, làm tốt chuyện của ngày hôm nay, chính là có trách nhiệm với cuộc đời của mình.

Dục tốc bất đạt
6. Bài học số 6
Một con quạ trong chuyến bay của mình đã gặp một con chim bồ câu đang trên đường về nhà. Con chim bồ câu hỏi: “Cậu muốn bay đi đâu thế?”.
Con quạ trả lời: “Thực ra tôi không muốn đi, nhưng mọi người đều chê tiếng kêu của tôi không hay, cho nên tôi muốn rời khỏi đây”.
Con chim bồ câu nói với con quạ: “Đừng phí công vô ích nữa! Nếu cậu không thay đổi giọng nói của mình, thì dù cậu có bay đến đâu đi chăng nữa cũng không được chào đón đâu”.
Kết luận: Nếu bạn hy vọng mọi chuyện sẽ trở nên tốt đẹp, vậy hãy bắt đầu từ việc thay đổi bản thân mình.

Thay đổi bản thân
7. Bài học số 7
Một nhà có ba người con trai, họ trưởng thành trong những trận cãi vã không ngừng của cha mẹ, mẹ của họ lúc nào cũng bị cha họ đánh đập thương tích đầy mình.
Người con cả nghĩ: Mẹ thật đáng thương! Sau này mình phải đối tốt với vợ mình hơn.
Người con thứ hai nghĩ: Kết hôn thật chẳng có nghĩa lý gì, sau này mình lớn lên chắc chắn sẽ không lấy vợ!
Người con thứ ba nghĩ: Thì ra, chồng có thể đánh đập vợ như vậy!
Kết luận: Cho dù môi trường sống giống nhau, nếu cách tư duy không giống nhau, sẽ kéo theo những cuộc đời không giống nhau.

Tư duy khác biệt
8. Bài học số 8
Ở một thị trấn nhỏ, có một vị thương nhân đến mở một trạm xăng, làm ăn phát đạt. Người thứ hai đến, mở một nhà hàng. Người thứ ba đến, mở một siêu thị. Thị trấn này chẳng mấy chốc đã trở nên sầm uất, phồn hoa.
Ở một thị trấn khác, một thương nhân mở một trạm xăng, làm ăn phát đạt. Người thứ hai đến, mở trạm xăng dầu thứ hai. Người thứ ba đến, mở trạm xăng dầu thứ ba. Chuyện làm ăn không phát đạt như họ tưởng.
Kết luận: Cứ một mực đi theo con đường của người khác, tất sẽ thất bại.

Đánh cắp ý tưởng
9. Bài học số 9
Anh A đi xe đạp, hai chân gắng sức đạp, 1 tiếng đồng hồ chỉ có thể đi được quãng đường khoảng 10 km.
Anh A lái xe ô tô, một chân nhấn vào ga, 1 tiếng đồng hồ có thể đi được quãng đường 100 km.
Anh A ngồi tàu cao tốc, nhắm mắt lại, 1 tiếng đồng hồ có thể đi được quãng đường 300 km.
Anh A ngồi máy bay, ăn đồ ăn ngon, 1 tiếng đồng hồ có thể đi được quãng đường 1000 km.
Kết luận: Cùng một người, cùng sự cố gắng, thế nhưng khác nhau ở bệ phóng, kết quả sẽ khác nhau.

Thành công

BÀI HỌC SỰ NGHIỆP TỪ “ÔNG CHỦ” CỦA FACEBOOK

 

Dù bạn không thích Facebook hay “ông chủ” của nó nhưng Mark Zuckerberg xứng đáng là một thần tượng công nghệ được nhiều người khâm phục.

CEO Facebook

Zuckerberg hiện là một trong những tỉ phú trẻ tuổi nhất thế giới và đồng sở hữu mạng xã hội số 1 ngày càng lớn mạnh Facebook.

Dưới đây là những bài học bạn có thể học hỏi từ sự nghiệp thành công rực rỡ của Zuckerberg:

Đam mê công việc
“Tôi chưa bao giờ thấy ai bỏ đi trước 1 tỉ USD”, Terry Semel, cựu CEO của Yahoo, đã phải thốt lên khi Zuckerberg từ chối bán lại công ty của mình cho “ông lớn” Yahoo.

Zuckerberg giải thích đây không phải vì vấn đề tiền bạc mà vì niềm đam mê của anh. Thậm chí, ngay cả khi giờ đã trở thành một tỉ phú nhưng Zuck, tên thân mật của Mark Zuckerberg, vẫn dành thời gian để viết code vào cuối tuần và kì nghỉ. Tất cả vì Zuck yêu thích và kiên trì theo đuổi những gì mình thực sự muốn làm.

Thành công đòi hỏi sự đam mê và làm việc chăm chỉ, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ khi mà làm việc liên tục trong thời gian dài không phải là điều xa lạ. Do vậy, nếu bạn không yêu thích công việc, bạn khó có thể đạt tới cái đích thành công thực sự trong sự nghiệp.

Tập trung
Mặc dù vấp phải nhiều vụ kiện tụng, cáo buộc vì vi phạm quyền riêng tư của người dùng và cả bộ phim gây nhiều tranh cãi The Social network nhưng Zuckerberg vẫn tập trung vào quản lý và phát triển Facebook. Điều này được minh họa qua thành công không ngừng và lớn mạnh của công ty.

Sự kiên trì của Zuckerberg cho thấy tầm quan trọng của việc giữ “cái đầu” luôn tập trung vào cuộc chơi. Nếu bị xao nhãng, bạn sẽ không thể hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc nhất.

Sẵn sàng thay đổi
Mỗi khi đánh giá một sản phẩm, Zuck luôn nhìn với con mắt mới mẻ. Anh ấy không bị áp lực bởi những sản phẩm khác hoặc tương tự”, Andrew Bosworth, kỹ sư của Facebook, chia sẻ. “Anh ấy không quan tâm hôm qua mình đã nói gì, ngay cả khi trình bày về cùng một sản phẩm”, Bosworth nói thêm.

Tinh thần linh động này tiếp tục phát huy tác dụng khi Facebook bị ép buộc phải thay đổi sau khi vấp phải tranh cãi về tính bảo mật của mình. Trong sự nghiệp cũng vậy, bạn không thể bảo thủ và thiếu linh động. Làm như vậy sẽ khiến bản thân bạn trì trệ và không thể tiến lên phía trước.

Coi trọng sự giản đơn
MySpace, từng là mạng xã hội số 1 thế giới, đang phải đối mặt với nguy cơ cắt giảm nhân sự đến một nửa. Trong khi đó, Facebook “bành trướng” không ngừng. Nguyên nhân của sự đối lập này là do người dùng cảm thấy MySpace khó sử dụng, còn Facebook dễ sử dụng và tải nhanh hơn, có thiết kế đơn giản mà hiệu quả hơn.

Ngoài ra, nếu bạn thắc mắc tại sao Facebook lại dùng màu xanh da trời cho giao diện của mình, lý do là Zuckerberg mắc chứng mù màu đỏ – xanh lá và xanh da trời là màu anh ấy nhìn thấy tốt nhất. Điều này cho thấy, trong công việc, bạn nên đơn giản hóa mọi vấn đề, kể cả dựa vào đặc điểm riêng của bản thân để hoàn thành công việc hiệu quả nhất.

Thành thạo kỹ năng thuyết trình
Trong giai đoạn tranh cãi về tính bảo mật, Zuckerberg đã mất bình tĩnh và đổ mồ hôi không ngừng khi đứng trên sân khấu được ghi hình tại một cuộc hội thảo công nghệ. Khoảnh khắc xấu hổ này của anh đã lan truyền rộng rãi trên Youtube.

Tuy nhiên, nhận thấy điểm yếu của mình về khả năng diễn thuyết trước đám đông cũng như tầm quan trọng của việc truyền tải thông điệp của mình trước giới truyền thông, tới nhà đầu tư cũng như với nhân viên, “ông chủ” trẻ của Facebook đã nhanh chóng nhờ những người diễn thuyết giỏi giúp đỡ mình và hiện tại anh ấy đã cải thiện rất nhiều.

Trong sự nghiệp, bạn sẽ phải phát biểu trước ban giám đốc, đồng nghiệp, cấp dưới, thuyết phục khách hàng… không ít lần, thậm chí là hàng ngày. Vì vậy, càng thành thục kỹ năng thuyết trình, khả năng thành công của bạn càng lớn.

Theo Dân Trí


BÀI HỌC SỰ NGHIỆP TỪ STEVE JOBS

Steve Jobs, một “tượng đài” của làng công nghệ thế giới đã chính thức rút khỏi vị trí CEO của Apple. Dù rút lui về hậu trường nhưng sự nghiệp nhiều thăng trầm của ông vẫn tiếp tục đem đến những bài học bổ ích cho chúng ta cả trong tương lai.

Bài học sự nghiệp từ Steve Jobs


Chọn lựa sự đơn giản

Đối với Jobs, đơn giản chính là sự tinh tế. Để tạo ra những sản phẩm với sự nổi bật của những công cụ cần thiết nhất, ông thường nói “không” đối với những tính năng mang tính “trang trí”. Và điều này được thể hiện rõ ràng trong tất cả sản phẩm của Apple.

Luôn học hỏi với cái tâm của người bắt đầu

Jobs rất tâm đắc với một cụm từ của Phật giáo “Beginner’s mind”, tức là hãy học hỏi với cái tâm thuần khiết của người mới bắt đầu, luôn khao khát tìm tòi những điều mới. Bạn cũng nên tiếp cận mọi thứ với tinh thần cởi mở và trải nghiệm chúng như lần đầu.

Kỳ vọng vào sự thể hiện xuất sắc

Apple trải qua 35 năm tuổi đời đã trở thành một trong những công ty lớn và quyền lực nhất thế giới với hơn 50.000 nhân viên, doanh số bán hàng hàng năm đạt 100 tỉ USD, tăng trưởng 60 %/ năm và mỗi năm lại cho ra đời những sản phẩm “hit” trên toàn cầu. Sở dĩ công ty có thể đạt được như vậy là do Jobs luôn kỳ vọng và chỉ chấp nhận sự hoàn hảo. Và trong sự nghiệp, bạn cũng nên làm như vậy, luôn hi vọng và cố gắng thể hiện sự xuất sắc của bản thân.

Chú trọng tuyển chọn và nuôi dưỡng nhân tài

Tại Apple có một tổ chức cấp cao gọi là “top 100”, là một nhóm những nhà lãnh đạo chiến lược của công ty. Nhóm này thường xuyên kết nạp những nhân viên cấp dưới có kỹ năng tốt và đưa ra những ý tưởng hay. Hành động này chứng tỏ Apple rất chú trọng tới việc nuôi dưỡng và đãi ngộ nhân tài. Nếu là người lãnh đạo, bạn có thể tham khảo cách làm này của Apple.

Tin tưởng và kiên trì với những dự án tưởng chừng như “không tưởng”

Với 10 triệu USD, Jobs đã mua lại công ty đồ họa của George Lucas khi lĩnh vực này còn rất mới mẻ, sau đổi tên thành Pixar. Năm 2006, ông bán Pixar cho Tập đoàn Walt Disney bằng bản hợp đồng giá trị 7,4 tỉ USD và trở thành cổ đông cá nhân lớn nhất của Disney với 7% cổ phiếu, tương đương 3 tỉ USD. Đây có thể được coi là khoản đầu tư sinh lời nhất trong đời của vị cựu CEO của Apple.

Câu chuyện của Jobs cho thấy dù những người khác không nhận thấy tiềm năng của một dự án nhưng bạn có thể và tin tưởng, kiên trì theo đuổi nó, bạn sẽ đạt được thành công.

Không lo sợ sự khác biệt

Chuỗi cửa hàng bán lẻ của Apple chính là một minh họa cho điều này. Các cổ đông đã từng cho rằng chúng là một sự rủi ro lớn đối với công ty nhưng Jobs lại nhìn nhận theo cách khác. Ông đặc biệt nhấn mạnh tới những khác biệt đó trong việc chinh phục thành công. “Đi đầu trong đổi mới chính là điểm phân biệt giữa một người lãnh đạo và người theo sau”, Jobs nói.

Vì vậy, bạn không nên e dè khi những ý tưởng, hành động của mình khác biệt so với người khác, chỉ cần bạn chứng tỏ được rằng sự khác biệt đó chính là chìa khoá thành công của bạn.

Yêu thích công việc

Jobs nói: “Cách duy nhất để làm nên những việc vĩ đại là yêu thích và đam mê điều bạn muốn làm. Nếu bạn vẫn chưa tìm thấy công việc mà mình thực sự muốn theo đuổi, hãy tiếp tục tìm kiếm. Bằng trái tim, bạn sẽ nhận ra khi tìm thấy nó”. Hãy nhớ, nếu không có tình cảm với công việc, bạn sẽ không thể tạo ra sự đổi mới.

theo Dân trí